THỦ PHẠM GÂY VIÊM LOÉT DẠ DÀY

Lượt xem : 341

Tôi đã thử quan sát một nhà thuốc có tiếng trên đường Hai Bà Trưng. Trong 10 khách hàng có đến ba người mua thuốc trị đau dạ dày, dĩ nhiên không cần toa vì ở xứ mình việc chữa bệnh theo kiểu tự chọn là chuyện bình thường. Nếu tưởng tỉ lệ 30% không có gì đáng nói là lầm, khi 70% còn lại chia đều cho các bệnh khác.

 

 

Câu hỏi là thuốc trị bệnh dạ dày không thiếu, thậm chí có thừa, thế tại sao vẫn còn nhiều người bệnh?

 

Tại sao biến chứng của viêm loét dạ dày, từ xuất huyết tiêu hóa cho đến biến thể ác tính, vẫn trước sau là mối đe dọa không hề suy giảm?

 

Phải có lý do nào đó khiến niêm mạc dạ dày mất khả năng tự bảo vệ để dịch vị trong dạ dày thừa cơ làm càn. Liệu đó có thể vì thói quen ăn uống thất thường, lo lắng suốt đêm, hút thuốc, uống rượu, hay lạm dụng dược phẩm…?

 

Nếu thế thì không có gì nghịch lý vì bệnh đâu chỉ ở dạ dày!

 

Cần thời gian

 

Cơ chế bệnh lý của bệnh viêm loét dạ dày, nếu so với bệnh khác, rõ ràng không quá phức tạp đến mức thầy thuốc phải bó tay. Ấy thế mà bệnh chẳng những dai dẳng lại dễ tái phát.

 

Có nhiều lý do. Một trong các nguyên nhân thường gặp chính là vì bệnh nhân hầu như không mấy ai được thông tin đúng mức về các yếu tố gây trì trệ tiến trình hồi phục của niêm mạc dạ dày, từ vai trò chữa lửa của bữa ăn "xế" cho đến khả năng tác hại của dịch chua trong dạ dày sau một đêm dài nhiều trăn trở.

 

Thêm vào đó, rất nhiều người bệnh vẫn tưởng hễ hết đau là lành bệnh. Trên thực tế, phải cần nhiều tuần sau khi hết đau thì vết loét mới thật sự lành. Nhiều người bệnh vì thế ngưng thuốc quá sớm.

 

Tất nhiên mấy ai chịu khó uống thêm thuốc nếu đã hết đau, nếu thầy thuốc quên dặn dò cho kỹ! Thêm vào đó, vết loét muốn lành phải cần dưỡng chất. Chữa bệnh dạ dày mà thiếu liệu pháp đi kèm để tăng cường sức đề kháng và phục hồi niêm mạc thì vết loét chắc chắn khó lành hơn vết thương lòng vì cuộc tình dang dở!

 

Thủ phạm trong bóng tối

 

Trước đây nhiều thầy thuốc vẫn tưởng tình trạng bội nhiễm trên niêm mạc dạ dày tá tràng là hiện tượng đi kèm hay thứ cấp sau khi ổ viêm loét đã thành hình.

 

Quan điểm đó hiện nay không còn đứng vững, từ khi các nhà nghiên cứu  phát hiện khả năng gây bệnh của vi khuẩn Helicobacter pylori trên niêm mạc dạ dày.

 

Chính vì sự có mặt của Helicobacter mà viêm loét dạ dày dễ tái phát. Thêm vào đó, thuốc trị đau dạ dày khó có hiệu quả như mong muốn trên bệnh nhân nhiễm Helicobacter.

 

Đi xa hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu đã cảnh báo về mối liên hệ giữa Helicobacter với không chỉ ung thư dạ dày mà thậm chí với nhiều loại ung thư khác!

 

Thế thì bạn có biết là qua thống kê tiến hành trong các đợt khám sức khỏe định kỳ cho nhiều công ty, chúng tôi đã phát hiện Helicobacter đang có mặt trong dạ dày của nhiều người chưa có dấu hiệu bệnh lý trên đường tiêu hóa? Không lạ gì nếu nhiều người sẽ chuyển thành đau dạ dày.

 

Nuôi ong tay áo tính lại cho cùng vẫn không đáng lo bằng nuôi vi khuẩn trong dạ dày! Điểm may là không khó để chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm Helicobacter. Vấn đề là ở chỗ tìm bệnh để phòng ngừa thay vì đợi bệnh đến tìm.

 

Chưa có đáp án

 

Có một điều chắc hơn đinh đóng cột. Không thể trông mong vào hiệu quả của một loại thuốc đơn thuần kháng chất chua trong dạ dày, nếu nguyên nhân gây viêm loét dạ dày không chỉ khu trú trên niêm mạc đường tiêu hóa. Không thể chữa lành vết loét nếu người bệnh không được điều trị như một tổng thể cá biệt.

 

Người bệnh chưa ý thức được mối nguy của căn bệnh, người bệnh tiếp tục tự điều trị bằng cách mua thuốc không cần toa. Thầy thuốc chữa bệnh năm này qua tháng khác mà không cần truy tầm nguyên nhân hay yếu tố bệnh lý đi kèm.

 

Thầy thuốc bỏ sót Helicobacter trong các chương trình khám sức khỏe định kỳ, và cuộc sống tiếp tục là cảnh "kẹt xe" mỗi chiều. Nếu những điều đó tồn tại thì không lạ gì khi viêm loét dạ dày tiếp tục là lý do hao mòn sức đề kháng và đâm thủng hầu bao của người bệnh.

 

 

 

CÁC BỆNH DẠ DÀY
upload/files/benh-da-day-ta-trang.jpg

10+ BỆNH DẠ DÀY BẠN CÓ THỂ MẮC PHẢI NẾU KHÔNG BIẾT RÕ.

Ngày đăng:19/05/2018 / 486 người xem

Dạ dày (hay còn được gọi là bao tử) là một bộ phận trong hệ tiêu hóa ở người. Dạ dày có ha
PHỤ NỮ SAU SINH VÀ LÀM ĐẸP
upload/files/hgf.jpg

9 MẸO CHĂM SÓC SẮC ĐẸP NÊN NHỚ.

Ngày đăng:10/05/2018 / 430 người xem

9 thủ thuật và mẹo sau đây sẽ giúp tín đồ khắc phục nhanh chóng một số vấn đề gặp phải.

Gửi câu hỏi